LUẬT TƯƠNG ĐỒNG

Luật Tương Đồng

 

 

Đó là sợi dây mà khi lần đi theo, nó sẽ dẫn ta qua ngõ ngách của sự sống muôn mặt, và là ánh sáng chiếu rọi vào cảnh tối tăm của vô minh chung quanh. Khi sử dụng luật, ta cần nhớ sự tương đồng nằm trong bản chất mà không nằm trong cách chi tiết xếp đặt như ta nghĩ, khi nhìn theo quan điểm của mình.

Khi nghiên cứu nhiều về MTTL, để ý ta sẽ thấy một điều là nguyên tắc “Trên sao, Dưới vậy" được áp dụng vào nhiều chuyện, chẳng hạn vị Hành Tinh Thượng đế cai quản một hệ hành tinh có 7 dẫy, thì trên cao một nấc có vị Thái Dương Thượng đế coi sóc một thái dương hệ có 7 hệ hành tinh. Nguyên tắc này cho phép khi biết được cách chi phối sinh hoạt ở một cấp, ta có thể suy ra cách tương tự ở mức cao hay thấp hơn, nên luật còn gọi là Loại Suy. Tính cách này thấy rõ ở những hiểu biết được đưa ra không trọn vẹn, hay đưa ra với mục đích che dấu hơn là trình bầy rõ ràng. Nghe hơi trái tai, nhưng do trí não con người còn bị giới hạn, hiểu biết đưa ra về sự sống thường chỉ tới môt mức nào đó, xa hơn nữa sẽ thiếu an toàn và không khôn ngoan.

Phần lớn hiểu biết phải giữ bí truyền và che đậy, bởi hiểm họa của việc có quá nhiều kiến thức thì nhiều lần lớn hơn việc có ít kiến thức. Hiểu biết đó đi kèm với trách nhiệm và quyền lực, hai điều mà con người hiện nay còn thiếu. Thành ra, tất cả cái ta có thể làm là học hỏi và nối kết chuyện theo mức minh triết và hiểu biết ta có, dùng sự hiểu biết học hỏi được vào việc ích lợi cho người khác mà ta muốn giúp đỡ, cùng nhận thức là khi sử dụng hiểu biết một cách khôn ngoan, khả năng ta được tăng bội để có thể nhận biết minh triết còn đang bị che dấu. Cộng thêm với việc ứng dụng hiểu biết khôn ngoan vào đời sống, ta còn phải làm tăng trưởng khả năng biết cẩn trọng tế nhị, dùng óc phận biện. Khi có thể sử dụng khôn ngoan, tế nhị giữ kín, và phân biện rạch ròi, thì ta chứng tỏ cho các vị Huấn Sư của  thời đại là ta đã sẵn sàng để nhận chỉ dẫn mới.

Như vậy khi đối đầu với những giải thích xem ra còn mù mờ, không làm thỏa mãn trí thức, ta phải bằng lòng với sự kiện là cách duy nhất để có thể tìm ra đầu mối về bí ẩn các cung, hệ tiến hóa, các loài trong thiên nhiên, v..v.. nằm ở việc học hỏi luật Tương Đồng và Loại Suy (TĐLS). Đó là sợi dây mà khi lần đi theo, nó sẽ dẫn ta qua ngõ ngách của sự sống muôn mặt, và là ánh sáng chiếu rọi vào cảnh tối tăm của vô minh chung quanh. Nhắc lại thì khi sử dụng luật, ta cần nhớ sự tương đồng nằm trong bản chất mà không nằm trong cách chi tiết xếp đặt như ta nghĩ khi nhìn theo quan điểm của mình. Ý niệm về thời gian làm ta lạc đường, con người đi sai khi tìm cách đặt một thời điểm hay một giới hạn nào đó, trong khi mọi việc tiến bằng cách hòa vào nhau, liên tục gối đầu (overlap) lên nhau và trộn lẫn. Chỉ những nét đại cương tổng quát và vài điểm căn bản của luật TĐLS mới được vạch ra cho người đi tìm. Khi mà họ tìm cách giảm thiểu phần tổng quát,  xếp nó thành đồ biểu phân minh tách biệt từng phần với nhau, liệt kê chi tiết riêng rẽ, việc làm ấy dễ sinh ra sai lầm, khiến con người đi quàng xiên vào vùng sa mù rồi cuối cùng lạc lối.

Dầu vậy nghiên cứu luật một cách khoa học dần dần làm tăng hiểu biết, và việc hấp thu, tiêu hóa chậm rãi các dữ kiện càng ngày càng mang lại chân lý. Con người sau bao dọ dẫm khó nhọc tìm tòi, chợt tỉnh thức là ít nhất mình có được  ý niệm khái quát, rộng rãi về thiên trí, hợp với những chi tiết mình đã thu lượm được qua bao lần tái sinh.

Một trong những cách mà con người có được hiểu biết về cái tổng thể mà ta gọi là Thượng đế, đại vũ trụ, thái dương hệ, là học biết về chính mình, rồi ngày kia ta suy ra và biết được vũ trụ. Lời ấy cho con người manh mối trong việc tìm kiếm bí ẩn của thiêng liêng. Theo luật TĐLS, những diễn trình trong thái dương hệ, bản chất của các nguyên lý vũ trụ phản ảnh trong hoạt động, cơ cấu và đặc tính  của một người. Chúng hiện diện và hàm ý nhưng không được giải thích hay đào sâu, chúng có đặc tính như là bảng chỉ đường, hướng dẫn ta theo lối mà trên đó về sau sẽ gặp những bảng chỉ đường mới, chỉ dẫn rõ rệt hơn.

Áp dụng luật cho ta vài nhận xét sau:

● Vị Thái Dương Thượng đế (TDTĐ) là đại vũ trụ đối với con người, hay con người là tiểu vũ trụ, ngụ ý những nét căn bản trong vũ trụ có phần tương ứng trong con người.

● Mọi sự sống từ vị TDTĐ xuống đến hạt nguyên tử đều có linh hồn.

● Mối liên hệ này giữa các linh hồn và đại hồn là căn bản cho niềm tin khoa học vào tình huynh đệ đại đồng. Tình huynh đệ đại đồng là một sự kiện rõ rệt trong thiên nhiên mà không phải là một lý tưởng.

● Luật TĐLS giải thích chi tiết của mối liên hệ này, diễn giảng cơ cấu của hệ thống, và dạy ta rõ về Thượng đế.

● Giống như TDTĐ là đại vũ trụ cho tất cả mọi loài trong thiên nhiên, con người là đại vũ trụ cho tất cả mọi loài dưới người.

● Đích tiến hóa cho hạt nguyên tử là có được ngã thức, như con người đã có .
Đích cho con người là tâm thức nhóm, thấy nơi vị Hành Tinh Thượng đế.
Đích cho ngài là thần thức của TDTĐ

● Vị Thái Dương Thượng đế là tổng hợp mọi tâm thức trong thái dương hệ.

Nhờ luật ta mở rộng được tầm nhìn, cho người hiểu biết một ý về sự tổng hợp, về kế hoạch của đường tiến hóa, và về sự liền lạc một khối của địa cầu. Luật TĐLS là chìa khóa mở ra sự hiểu biết nhưng cho đến nay, khoa phân tích so sánh chưa được biến thành một phương pháp rõ rệt để khám phá chân lý.

Luật là cách để cái tiểu vũ trụ hiểu được chút ít phần hiển lộ nhất của đại vũ trụ. Điều cần ý thức là tới một lúc nào đó, luật trở nên bất lực và ta phải kể thêm một điều mới mẻ, hoàn toàn khác lạ vào chuyên nếu muốn hiểu những chặng về sau. Luật chỉ đúng khi ta xem xét tiểu vũ trụ bên trong sự sống của đại vũ trụ,  nhưng khi vượt qua giai đoạn đó, ra khỏi giới hạn cùng sự biểu lộ của sự sống, ta tiếp xúc với những luật khác, phương cách khác dẫn đến chân lý thuộc cảnh giới vũ trụ. Có lẽ việc giống như lái xe trong thành phố khác với lái xe trên xa lộ; nguyên tắc tổng quát giống nhau, nhưng trên xa lộ muốn lưu thông điều hòa ta phải tuân theo một số luật mới. Tương tự vậy, con người có ít nhiều nét tương đồng với Hành Tinh Thượng đế thật, nhưng cả hai không hoàn toàn theo đường giống nhau. Ngài có những vấn đề phải giải quyết mà ta không có chút khái niệm nào, tựa như người lớn phải đương đầu với những chuyện mà trẻ con không sao ý thức nổi, và hoàn toàn xa lạ với chúng.

Thí dụ cho sự bất lực của luật cùng việc phải kể thêm một yếu tố mới trên đường tiến hóa, thấy rõ khi ta so sánh thú và người. Hai loài này ở mức tiến hóa kế nhau, có rất nhiều điểm tương đồng, nhưng loài người có một điểm thần bí mà loài vật không có. Nó hoàn toàn khác hẳn với kinh nghiệm loài vật khiến cho có một hố ngăn cách rộng lớn giữa hai loài, đó là yếu tố có linh hồn cá biệt, là sự thành hình của căn thể (causal body) khi con vật thoát kiếp thú làm người. Thú vật có linh hồn, nhưng phần thiêng liêng đó chìm vào cái tổng thể là hồn khóm và luật không áp dụng được vào điểm này, nhưng cái lý thú là khi suy rộng, ta lại thấy luật được áp dụng cân xứng và đẹp đẽ ở một chặng sau:

 – Thú vật có hồn khóm.

 – Con người có tâm thức cá biệt.

 – Vị Thượng đế có tâm thức nhóm

Như vậy luật một lần nữa lại có tác động ở cấp cao.

Đi sâu tới mức nào đó, sự việc trở nên quá phức tạp, nặng về kỹ thuật khiến ta tự hỏi kiến thức có ích lợi gì. Dù thế, hiểu biết suy ra có giá trị và chỗ đứng của nó. Việc huấn luyện cái trí có giá trị, nhưng nhiều người lẩn tránh các chi tiết kỹ thuật, núp sau ý tưởng là chân lý về sự sống thực thế đáng chú trọng hơn, nhưng tất cả biện luận đó chỉ nói lên tính làm biếng cố hữu của trí người. Chắc thái độ nên có với những hiểu biết do luật mang lại là đừng mất thì giờ vào các diễn dịch chi tiết. Đa số chuyện được trình bày là nét đại cương, nó đòi hỏi ta có lòng kiên nhẫn chờ đợi hoặc chỉ dẫn mới mà mai sau sẽ có, hoặc khi trí tuệ khôn ngoan hơn sẽ tìm ra được mắt xích còn thiếu của chuyện.
Có nghĩa ta sẵn lòng nhìn nhận giới hạn của não bộ và chấp nhận một giả thuyết, tin vào cái sau trừ phi trực giác của ta phản đối hay kinh sách của những tôn giáo lớn nói ngược lại Ta ghi nhận để rồi những năm sau, chuyện xem ra đối nghịch nhau hay đầy nét lạ lùng lúc này được sáng tỏ, dần dần hết rối rắm, và trở nên dễ hiểu hơn. Thời gian do đó là một yếu tố phải kể đến khi nói về luật TĐLS, chuyện gì đúng cách đây đã lâu nay có thể không còn được vậy. Bằng cách nào đi nữa, trí não ta không sao thấu hiểu hết những kiến thức mới và sẽ bị rối trí; cách tốt nhất là để qua bên chờ đến tương lai khi do học hỏi, ta có được tâm thức mở rộng và bao trùm hơn thay cho tâm thức giới hạn hiện giờ, những điểm tranh luận ngày nay được khai thông, trở nên liền lạc và hết nghịch lý.

Với người trung bình, chi tiết về thái dương hệ,  đường tiến hóa cao xa hơn mức thường, chỉ có một giá trị là nó nhấn mạnh vào tính tổng hợp của thiên cơ vĩ đại, cùng sự kiện là mỗi đơn vị nhỏ nhất cũng là một phần nội tại của tổng thể. Cái đáng gắng công là thấy trọn được chuyện và nhìn ngắm vẻ tuyệt hảo của sự sống, những nét mà trí óc có thể cảm nhận được lúc này.

Thể Hiện

     1 – Tương đồng thấy được trong sự tiến hóa của các loài, về phương pháp chuyển biến từ cao xuống thấp rồi lên cao trở lại, về tác nhân gây chuyển biến. Thí dụ là kim thạch và loài người. Ta biết cõi vật chất chia làm bẩy cảnh, gồm 4 cảnh ether và 3 cảnh đặc, lỏng, hơi; kim thạch là sự đông đặc của chất ether mà ở cuối đường tiến hóa, tâm thức bên trong bùng thoát khỏi lớp vỏ thô kệch cứng chắc dưới hiện tượng phóng xạ, trở về trạng thái ether. Tiến trình là tâm thức từ nguồn phân ra theo đường tiến hóa, và khi trở về mang theo tính chất mới thâu lược được trên đường. Con người theo cùng nguyên tắc, từ nguồn thiêng liêng trên cao linh hồn tách ra xuống cõi trần học hỏi, xong quay về nguồn mang theo thiên tính trước kia tiềm tàng nay sống động. Và tác nhân cho sự tiến hóa nơi hai loài cùng chung tính chất. Lửa, nhiệt và sức ép là tác nhân cho kim thạch; nơi con người ta gặp lại cái bùng cháy của dục vọng, lòng thôi thúc từ bên trong, và áp lực của ngoại cảnh lẫn nội tâm.

     2 - Có sự liên hệ giữa những sự sống cùng thứ tự. Thí dụ mỗi giống dân chánh (root race) có 7 chi chủng (sub-race), và:

      – Chi chủng thứ 2 của mẫu chủng 1 là hạt giống cho mẫu chủng 2
– Chi chủng thứ 3 của mẫu chủng 2 là hạt giống cho mẫu chủng 3. . v. .v.

Rồi lại có sự tương ứng giữa những con số, Nhật là chi thứ 7 của giống dân thứ 4, có liên hệ với cung 7 mang đặc tính nghi lễ, trật tự. Ngừơi Nhật biểu lộ tính cung 7 qua nghi lễ trà đạo, nghệ thuật cắm hoa, nói  lên một thứ tự, nhịp nhàng. Ngay cả việc tự sát vì danh dự, harakiri, cũng theo một trình tự hết sức… lạnh người. Điểm thú vị là cung 7 tương ứng với cung 1, nên ý chí và nghi lễ là bản sắc đặc biệt của võ sĩ đạo.

     3 – Sự tương đồng trong các thành phần của con người như sau:

      Cá tính biểu lộ trí linh hoạt
Linh hồn ứng với minh triết  - thương yêu.
Chân thần là ý chí quyền lực.

Bộ ba này phản ảnh tương tự qua các thể thấp:

      Xác thân tương ứng với hoạt động.
Tình cảm với thương yêu.
Trí cụ thể với ý chí.

và qua những thể cao:

      Trí trừu tượng tương ứng với sự linh họạt khôn ngoan
Bồ đề tâm với minh triết  - từ ái.
Atma với ý chí, uy lực.

     4 – Những nét tương ứng tổng quát của các sự sống, sự biểu lộ trong vũ trụ có thể liệt kê theo con số.

Con số 3 thấy trong:

     Ba ngôi của Thượng đế
Ba tính chất của Chân thần
Ba cõi tiến hóa của con người ..v..v.

Con số 4 gặp qua:

     Tứ đại Thiên Vương
Bốn vị thần Nhân Quả
Bốn thể thấp của con người

Con số 5:

     Năm lần chứng đạo trước khi con người giải thoát được hoàn toàn, tượng trưng qua ngôi sao năm cánh.
Ngũ quan
Năm ngành của đức Mahachohan
Năm loài trong thiên nhiên: kim thạch, thảo mộc, thú cầm, nhân loại, siêu nhân

Con số 7 có rất nhiều:

     Bẩy cung, bẩy màu, bẩy cõi tiến hóa
Bẩy nguyên lý của người, bẩy trung tâm lực
Bẩy mẫu chủng, bẩy chi chủng
Bẩy hệ tiến hóa, bẩy dẫy, bẩy bầu
Bẩy lần chứng đạo.

Ta có ghi chữ nôm na của luật TĐLS là: Trên sao, Dưới vậy; khi thấy tâm thức mở rộng trên đường tiến hóa, đi từ người sang các đấng cao cả, từ địa cầu vào thái dương hệ, thì ta thấy sự phát triển của nhân loại chỉ là một chuỗi tăng trưởng khả năng ý thức, cái là đặc tính nổi bật của con người suy từ bên trong. Nhìn qua các loài, cái thức ấy trước tiên vượt khỏi giới hạn bó buộc nó trong loài thấp hơn người, sang ba cõi sinh hoạt của cái tôi trong địa cầu, trụ và cái ngã rồi chuyển dần sang linh hồn, lớn mạnh cho tới lúc thành tâm thức thiêng liêng của vị Thái Dương Thượng đế, rồi xa hơn nữa là thoát khỏi thái dương hệ trở nên đại đồng. Trí não giới hạn khiến ta nên ngừng ở đây, nhưng chắc chắn sự sống và sắc tướng tiến hóa còn đi lên cao sau đó.

 

Thông Xanh

Sách tham khảo::
Esoteric Pschycology
The Rays and the Initiation
(A.A. Bailey)